Mật khẩu dường như đang là một điểm yếu không thể khắc phục của ngành bảo mật: chúng luôn là những miếng mồi quá dễ dàng đối với hacker song lại quá khó nhớ đối với người dùng thông thường.
Vấn đề của mật khẩu truyền thống
Tại CeBIT 2014, Hội chợ công nghệ cao hàng đầu thế giới, các nhà phát triển ứng dụng bày tỏ sự thất vọng đối với mật khẩu truyền thống. "Vấn đề đối với mật khẩu là chúng rất yếu, chúng luôn bị hack song từ góc nhìn của người dùng, chúng lại quá phức tạp. Mỗi người có vẻ có tới 10, 20, 30, 60 mật khẩu khác nhau", Steven Hope, giám đốc điều hành của Winfrasoft (Anh Quốc) cho biết.
"Chúng cần phải khác biệt, không ai có thể ghi nhớ hết, do đó họ viết mật khẩu ra giấy hoặc phải cài đặt lại mật khẩu mỗi lần đăng nhập. Mật khẩu không còn phù hợp cho thế giới của ngày hôm nay", ông Hope cho biết.
Trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng, chuỗi cửa hàng bán lẻ, dịch vụ email hoặc các dịch vụ Internet bị hack hàng loạt, vẫn có quá nhiều người dùng các mật khẩu "ngớ ngẩn" như "123456" hoặc "password", Hartwig von Sass, người phát ngôn chính thức của CeBIT cho biết.
Thay thế mật khẩu bằng… bộ phận cơ thể
Apple đã cung cấp cho thế hệ iPhone mới nhất (iPhone 5s) một máy đọc vân tay có tên Touch ID để tăng tính bảo mật cho người dùng. Tuy vậy, một nhóm hacker người châu Âu có tên Chaos Computer Club đã vượt qua Touch ID thành công bằng cách sử dụng các dấu vân tay giả làm bằng cao su.
Fujitsu, công ty điện tử nổi tiếng đến từ Nhật Bản, lựa chọn một cách làm khác hẳn: xây dựng hệ thống nhận diện dựa trên các đường mạch máu của riêng mỗi người. Tại sự kiện CeBIT 2014, Fujitsu ra mắt công nghệ bảo mật bằng mạch máu này trên các mẫu laptop của mình.
Công ty bảo mật Thụy Sĩ có tên KeyLemon lại sử dụng một hệ thống nhận diện khuôn mặt thông qua webcam. Đại diện của KeyLemon cho biết máy vi tính sẽ nhận diện các phần của khuôn mặt như mắt, lông mày, hình dáng mũi, xương gò má, cằm… Người dùng chỉ cần ngồi trước màn hình để máy xác nhận danh tính và bắt đầu sử dụng.
KeyLemon cho biết hiện đã có 3 triệu người dùng sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt này. Tuy vậy, quá trình sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt còn một số khó khăn: người dùng phải bỏ kính hoặc phải ngồi trong điều kiện sáng ổn định để được xác thực thành công.
Rất tiếc, quá trình thay thế mật khẩu bằng bảo mật sinh trắc học sẽ còn mất một thời gian dài mới có thể hoàn thành. Đại diện của KeyLemon khẳng định: "Con người sẽ không chuyển sang chỉ sử dụng vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt, thay vào đó họ sẽ chỉ sử dụng các tính năng này để làm biện pháp phòng vệ tối cần thiết cho mật khẩu".
Theo NDTV
0 comments:
Post a Comment