WordPress cơ bản – Bài 1: Giới thiệu WordPress

Seri bài học giới thiệu về Wordpress mình lấy bên Blog Thạch Phạm. Đây là seri bài viết hay dễ hiểu và cũng là tài liệu rất có ích cho bạn nào bắt đầu tiếp cận wordpress

Chào bạn,
Rất cám ơn và hoan nghênh bạn đến với bài đầu tiên của serie Học WordPress căn bản của mình. Nếu các bạn đã xem qua bài giới thiệu serie thì chắc chắn đã biết được mục đích của bạn để xem serie này là gì rồi đúng không nào? Vậy bạn đã sẵn sàng để tham gia cộng đồng WordPress Việt Nam và thế giới ngay bây giờ chưa? Nếu bạn đã sẵn sàng rồi thì hãy để mình đưa bạn vào tham quan trước về các khái niệm quan trọng về WordPress cũng như những lý do rất tuyệt vời để bạn nên sử dụng nó ngay từ hôm nay.

WordPress là gì? – Giới thiệu WordPress

WordPress là một mã nguồn web mở để quản trị nội dung (CMS – Content Management System ) và cũng là một nền tảng blog (Blog Platform) được viết trên ngôn ngữ PHP sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL được phát hành đầu tiên vào ngày 27/5/2003 bởi Matt Mullenweg và Mike Little.

Wordpress thuở mới thành lập
WordPress thuở mới thành lập vào năm 2003
Thực ra WordPress lúc đầu mới công bố ra nó không được xem như là một CMS bởi vì sức mạnh của nó cũng còn giới hạn ít nhiều nên lúc đó cộng đồng xem WordPress chỉ là một mã nguồn được lựa chọn để phát triển blog cá nhân bình thường với các tính năng rất cơ bản là hỗ trợ tạo trang tĩnh, tạo bài viết có nhúng tính năng bình luận bài viết để thành viên có thể tương tác.

Tuy vậy, so với công nghệ lúc bấy gì thì WordPress cũng đã có những bước tiến vượt bật so với những đối thủ khác mà cái quan trọng nhất là tính tương tác hoàn toàn đơn giản để có thể gần gũi với người sử dụng không chuyên. Vì vậy lúc đó WordPress đã bắt đầu trở thành một mã nguồn mở được nhiều người chú ý đến và nhận donation (quyên góp) từ những người ủng hộ để có thể phát triển được tốt hơn.
Wordpress đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía người dùng và lập trình viên
WordPress đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía người dùng và lập trình viên
Và đúng như nguyện vọng của nhiều người, WordPress đã có một sự phát triển vượt bậc ngay sau đó mà đầu tiên là sự nâng cấp về backend để quản lý tốt hơn, nhiều tính năng mới được ra đời (trong đó có tính năng Custom Field thần thánh mà mãi tận bây giờ nó vẫn nằm trong top các tính năng thú vị nhất), kèm theo đó là một thư viện theme chính thức được công bố với hàng trăm giao diện khác nhau cho WordPress mà người dùng có thể tải về.
Tiếp tục vài năm sau đó, các bản WordPress mới hơn lần lượt ra đời và kèm theo đó là thư viện plugin khổng lồ được ra mắt, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của WordPress. Đặc biệt là khi WordPress ra mắt phiên bản 2.8, có nhiều thay đổi và tính năng nâng cao được cập nhật làm cho WordPress càng trở nên mạnh mẽ hơn, và nó trở thành một CMS chính hiệu lúc nào không hay. Hiện tại tính ở thời điểm này, WordPress đã có những con số rất ấn tượng như sau:
  • Khoảng 72,000,000 website đang sử dụng mã nguồn mở WordPress.
  • Mỗi ngày có khoảng 145,000 lượt download mã nguồn WordPress từ trang chủ.
  • WordPress chiếm khoảng 19% thị phần cho tổng số website có mặt trên thế giới. Trong khi đó Joomla chỉ có 3%. Và website không sử dụng CMS chiếm 69%.
  • Tổng số lượt download hiện tại của WordPress là khoảng 500,000,000 lần.
Như vậy chắc bạn cũng đã hình dung ra độ khủng khiếp của WordPress rồi nhỉ. Chưa hết đâu, và đây là một số website lớn trên thế giới tin dùng WordPress:
  • Mashable
  • TechCrunch
  • CNN
  • Forbes
  • Time
  • TED
  • Wired
  • Reuters
Vậy thì tại sao bạn lại không sử dụng WordPress ngay từ bây giờ nhỉ? Hay bạn vẫn còn đang băn khoăn khi sử dụng WordPress có nhược điểm và ưu điểm gì chăng? Ok, để mình thử liệt kê ra các ưu và nhược điểm của WordPress nhé.

Ưu và nhược điểm của WordPress

Ưu điểm

  • Nhiều plugin hỗ trợ, hầu như mọi ý tưởng đều đã có plugin hỗ trợ.
  • Nhiều theme có sẵn, hầu như là nhiều nhất trong các CMS hiện nay. Bao gồm các theme miễn phí và theme trả phí rất chuyên nghiệp.
  • Dễ tùy biến, nếu bạn là người đã có kiến thức sẵn về PHP, CSS, HTML thì điều này rất dễ dàng.
  • Nhiều cộng đồng hỗ trợ và hướng dẫn, đơn cử là như ThachPham.Com của mình đây.
  • Có thể làm được nhiều thể loại website, từ blog cá nhân đến các trang thương mại điện tử.
  • Dễ cài đặt.
  • Nhẹ và hao tốn ít tài nguyên máy chủ.
  • Các Theme Framework hiện có sẽ giúp bạn tự thiết kế giao diện WordPress dễ dàng.
  • Dễ sử dụng và quản lý.

Nhược điểm

  • Nhiều khái niệm khó hiểu nếu bạn mới bắt đầu.
  • Muốn tùy biến WordPress, bạn phải có kiến thức lập trình web căn bản nhất.
  • Các theme đẹp đa phần là phải trả phí. Và plugin cũng vậy.
  • Nếu bạn là Developer, bạn sẽ hơi mệt mỏi với các hàm có sẵn của WordPress vì nó quá nhiều.
Với các ưu điểm và nhược điểm như vậy, mình nghĩ rằng bạn đã tự quyết định được rằng có nên dùng WordPress rồi đúng không nào. Nếu bạn cảm thấy nó không phù hợp với bạn thì bạn có thể dừng lại, nhưng nếu bạn cảm thấy nó phù hợp với tiêu chí của bạn, thì hãy cùng mình bắt đầu với WordPress ngay từ bây giờ nhé.

WordPress.com và WordPress.org

Trước khi bắt đầu, mình có một vấn đề cực kỳ quan trọng cần nói qua cho các bạn biết khi sử dụng WordPress luôn, đó là phân biệt giữa WordPress.com và WordPress.org.

WordPress.com là gì?

Wordpress.com cũng là một sản phẩm của Automatic (chủ thể sở hữu mã nguồn WordPress). Nó là một dịch vụ tạo blog miễn phí trên nền tảng WordPress và các thành viên khi đăng ký sẽ có một blog WordPress được chạy trên hệ thống máy chủ chung của Automatic. Tuy nhiên, do đây là một dịch vụ miễn phí, lại chạy trên máy chủ chung của Automatic nên nó sẽ bị giới hạn rất nhiều chức năng quan trọng nhất của WordPress. Nhìn chung, một blog WordPress.com thì đều chỉ có một vài tính năng cơ bản để có thể làm được một blog thông thường.

WordPress.org là gì? (Chúng ta đang tìm hiểu cái này)

Wordpress.org chính là trang chủ chính thức của mã nguồn WordPress mà trang WordPress.com kia đang sử dụng để tạo blog cho các thành viên. Tại đây, bạn có thể tải về bản chính thức của mã nguồn WordPress về máy để tự cài đặt trên chính máy chủ riêng/hosting của mình để mình tự vận hành nó.
Với một mã nguồn đầy đủ như vậy, bạn sẽ sử dụng được các chức năng quan trọng của WordPress mà trang dịch vụ WordPress.com không hỗ trợ, như việc cài theme bên ngoài, cài thêm plugin và một số tính năng nhỏ nhất. Nhưng các bạn nên nhớ rằng, WordPress chỉ thật sự mạnh khi bạn có thể sử dụng plugin và theme từ bên ngoài.

Lời kết bài 1

Qua bài này mình tin chắc là bạn đã hiểu được WordPress là thế nào rồi và chỉ cần với như thế, bạn có thể bắt đầu tiếp tục với những phần tiếp theo của serie này để có thể tự làm một trang WordPress cho riêng mình nhé.
Nếu bạn có thắc mắc gì liên quan tới bài này, hãy đặt câu hỏi ngay dưới phần bình luận nhé.

Nguồn: http://thachpham.com

0 comments:

Post a Comment

More

Search This Blog